TỔ NGỮ VĂN TỔ CHỨC BUỔI SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “TÍCH HỢP GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH CHO HỌC SINH”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Do đó, trong suốt quá trình giảng dạy, người giáo viên vừa phải chú trọng giáo dục về kiến thức, kỹ năng vừa phải quan tâm giáo dục về nhân cách, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo hướng hiện đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường, ngày 12 tháng 10 năm 2021, tổ Ngữ văn đã tổ chức buổi sinh hoạt Chuyên đề “Tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh”, với sự tham gia của cả tổ bằng hình thức trực tuyến. Hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh toàn trường thông qua việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn.
Trong buổi sinh hoạt, cô Trần Kim Thuý đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về việc tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh lớp 10 thông qua môn Ngữ văn. Trong đó, cô trình bày những nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như cách tích hợp giáo dục qua từng bài dạy cụ thể. Việc linh hoạt áp dụng các hình thức cũng như xác định thời điểm thực hiện tích hợp cho từng nội dung cụ thể để đạt hiệu quả cao cũng được cô trình bày cụ thể.
Theo cô Trần Kim Thuý, giáo viên cần quan tâm đến thời lượng tiết học, đơn vị bài học và trình độ tiếp nhận của học sinh mà lựa chọn nội dung cũng như hình thức và thời điểm phù hợp để thực hiện tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giáo viên cần linh hoạt để tránh biến tiết dạy Ngữ văn thành tiết dạy Chính trị, Giáo dục công dân. Cùng một lớp, với các bài dạy khác nhau, giáo viên cần thay đổi các biện pháp khác nhau để tránh gây nhàm chán đối với học sinh.
Ngoài những đơn vị bài học cụ thể ở môn Ngữ văn, giáo viên còn có thể tích hợp giáo dục bằng hình thức nêu gương. Với phương châm “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bản thân mỗi thầy cô giáo phải luôn lấy Bác làm tấm gương sáng, kiên trì học tập tư tưởng, sống theo đạo đức, phong cách của Người. Đặc biệt là tinh thần lạc quan, lối sống giản dị, làm việc nghiêm túc, tận tâm, nói đi đôi với làm... Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể giới thiệu đến các em những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường, ở địa phương hoặc trong cả nước. Những câu chuyện có thật, những cuộc đời gần gũi sẽ có sức thuyết phục cao đối với các em.
Tiếp nối những chia sẻ của cô Trần Kim Thuý, quý thầy cô trong tổ đã đóng góp ý kiến về việc xác định các nội dung có thể tích hợp trong những bài dạy ở lớp 11 và 12. Các hướng ra đề kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì có tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cũng được quý thầy cô quan tâm bàn bạc.
Có thể nói, buổi sinh hoạt chuyên đề lần này không chỉ hướng đến việc nâng cao năng lực chuyên môn của từng giáo viên trong tổ Ngữ văn; nâng cao chất lượng bộ môn của tổ, của trường; mà quan trọng hơn hết là hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của học sinh. Bên cạnh việc hạn chế và dần xoá bỏ tình trạng học sinh vi phạm nền nếp, nội quy, việc tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Mình còn góp phần giáo dục cho học sinh lối sống giản dị, trong sáng, cao đẹp. Từ đó, các em có suy nghĩ và hành động đúng đắn, có quan niệm sống nhân văn và có ý thức công dân sâu sắc, đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại.
Tác giả bài viết: Kim Thúy
- Chia sẻ:
-
-
-
- |
-
In bài viết